Phú Ninh- tháng Tám lịch sử

Năm tháng trôi qua, lớp bụi thời gian có thể phủ mờ tất cả. Nhưng có những sự kiện mà qua sự thử thách của thời gian thì càng được tỏa sáng bởi tính giá trị của nó. Thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945 của quân và dân huyện Tam Kỳ (bao gồm Phú Ninh ngày nay) là một sự kiện như thế; đánh dấu móc son chói lọi trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản Tam Kỳ đầu tiên

Những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Ở Quảng Nam và các tỉnh Trung Trung Kỳ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập là tổ chức có ảnh hưởng mạnh nhất. Trên địa bàn Tam Kỳ,lúc này xuất hiện nhiều loại sách, báo mới, tiến bộ,đã lôi kéo tầng lớp thanh niên tiên tiến, giáo chức, học sinh và những người lớn tuổi có tinh thần yêu nước tham gia.

 Trước sự ảnh hưởng đó, tháng 7-1927, đồng chí Khưu Thúc Cự[1]cùng với Nguyễn Thế Khải, Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh (Phán) và Phạm Cự Hải thành lập tại Tam Kỳ nhóm hoạt động cách mạng theo tôn chỉ mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua tủ sách “Chiêu anh thư quán”, để truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản trong lớp thanh niên tiên tiến và những người lớn tuổi đã từng hoạt động trong phong trào yêu nước trước đây.

Ngoài hoạt động của nhóm Khưu Thúc Cự, còn xuất hiện nhóm hoạt động cách mạng của các cụ Nguyễn Kế, Nguyễn Chỉ, Võ Dương, Tràn Xán và Đào Quảng Hiển là những cốt cán của phong trào yêu nước trước đây. Sự ra đời của các nhóm cách mạng trên đất Tam Kỳ những năm 1927-1929 thể hiện yêu cầu bức thiết của các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Tuy hoạt động của các nhóm cách mạng nói trên chưa mạnh, tổ chức chưa chặt chẽ song đều có ảnh hưởng trong quần chúng nhất là tầng lớp thanh niên có học vấn và những người tích cực trong các phong trào yêu nước ở địa phương, tạo bước chuyển biến về tư tưởng, chuẩn bị cho việc ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tam Kỳ.

Chính vì lẽ đó, mà chỉ sau hơn ba tháng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thành lập (3/1930), tại chùa Ông, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tam Kỳ được thành lập (tháng 5/1930), gồm có 3 đồng chí: Hồ Bằng (Quang), Phan Kỉnh (Phán) và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư.Đến tháng 7/1930, chi bộ kết nạp thêm 2 đồng chí Khưu Thúc Cự và Hồ Đắc Thành vào Đảng. Hoạt động chủ yếu của chi bộ là học tập và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong số thanh niên tiến bộ và những người tích cực trong phong trào yêu nước trước đây, tổ chức rải truyền đơn ở mỏ vàng Bồng Miêu tuyên truyền sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tam Kỳ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Tam Kỳ. Từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân không còn ở hình thức tự phát, mà có sự lãnh đạo của Đảng.Tạo đà để các phong trào cách mạng trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự do có Đảng lãnh đạo.

Tích cực gây dựng cơ sở, nhạy bén chớp thời cơ

Ngay sau khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tam Kỳ được thành lập, chi bộ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn; trong đợt khủng bố tháng 10-1930, địch bắt giam nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng, phá vỡ nhiều tổ chức cơ sở Đảng; đảng viên ở Tam Kỳ bắt giam gần hết, đồng chí Tư Định bị kết án 3 năm tù, Hồ Đắc Thành 1 năm, Phan Kỉnh 9 tháng… Cũng từ thời gian này đến trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, gian khổ trong vòng vây truy lùng, bắt bớ, thủ tiêu của kẻ thù; tổ chức Đảng có lúc tan rã, dường như không thể hoạt động được, nhiều đảng viên bị địch truy bắt, giam cầm, sát hại... 

Trong 15 năm (1930-1945), tổ chức Đảng trải qua 5 lần bị bể vỡ, tổn thất trước những đợt khủng bố của kẻ thù; lần thứ nhất là tháng 10-1930, lần thứ hai là giữa tháng 5-1935, lần 3 là năm 1939; lần 4 là tháng 4-1941, lần 5 tháng 8-1942. Nhưng dường như sau mỗi lần bể vỡ, mỗi lần tổn thất, ý chí cách mạng lại được nhân lên trong mỗi đảng viên, cơ sở và quần chúng. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, nhiều người vẫn không hề khai báo, trái lại còn tìm cách đánh lạc hướng địch nhằm che giấu bảo vệ cán bộ, bảo vệ tổ chức và cơ sở; những đảng viên sống sót lại tiếp tục móc nối cơ sở, gây dựng lực lượng; chính điều đó, tạo nên tính liên tục trong phong trào cách mạng trên địa bàn huyện.

 

http://admin.baotangquangninh.vn/Uploads/images/cmt8_1.jpg
Lệnh tổng khởi nghĩa được phát hành rộng rãi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hình tư liệu.

Với sự tích cực hoạt động của các đảng viên, đến tháng 5-1944, Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được tái thành lập. Sự tái thành lập của Phủ ủy đánh dấu phong trào cách mạng đã được khôi phục trở lại.Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945 phong trào các xã trên địa bàn huyện phát triển rất tốt, nhiều nơi đã thành lập Ban vận động cứu quốc làm nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc (Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Phụ lão). Tính đến cuối tháng 7-1945, Đảng bộ có 9 chi bộ cơ sở với 58 đảng viên; đây là đội ngũ nòng cốt, tiên phong của phong trào cách mạng ở địa phương, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Và thời cơ đã đến khi Nhật đảo chính Pháp, nhận thấy đây là thời cơ có một không hai, Phủ ủy Tam Kỳ đã tổ chức 02 cuộc họp (vào tháng 5 và 7-1945), quyết định một số nhiệm vụ trước mắt: khẩn trương phát triển lực lượng cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng vào Mặt trận Việt Minh, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng lực lượng tự vệ; các lò rèn ở Khương Mỹ, Tứ bàn, Xuân Trung, Phú Trà… được bố trí rèn gươm, giáo, mã tấu… để phục vụ kháng chiến. Đến cuối tháng 7-1945, là thời gian cao điểm của phong trào cách mạng; lúc này, mọi hoạt động gần như công khai. Bộ máy ngụy quyền cấp xã hầu như tê liệt, phần đông lý, hương có xu thế theo Việt Minh, tỏ ra ủng hộ các chủ trương của Đảng. Địa chủ, tư sản bị phân hóa nhanh chóng. Các tầng lớp nhân dân sục sôi khí thế cách mạng.Đến thời điểm này, các điều kiện cần và đủ để diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa gần như hội tụ đầy đủ. 

Thời cơ cách mạng đã chín muồi; giữa tháng 8/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành chỉ thị phát động toàn dân tổng khởi nghĩa; toàn Phủ sục sôi ý chí cách mạng sẵn sàng cho cuộc tổng khởi nghĩa.Tuy nhiên, vẫn chưa có lệnh chính thức, nhưng khi nghe quân ta đã giành chính quyền ở Hội An, Thường trực Phủ ủy và Ban bạo động phủ Tam Kỳ nhanh chóng quyết định huy động lực lượng tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợitrên toàn huyện vào đêm 18/8/1945. Lệnh khởi nghĩa nhanh chóng truyền đến các tổng, xã. Toàn huyện bừng bừng khí thế cách mạng, nhân dân kéo ra các ngã đường, giương băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ… tiến vào bao vây chiếm các đồn, bắt cường hào, đồn trưởng giành chính quyền về tay nhân dân.

Như vậy, chỉ trong vòng hai ngày, kể từ chiều 18/8 đến chiều 19/8/1945, làn sóng cách mạng mạnh mẽ của nhân dân tập hợp dưới cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương phủ Tam Kỳ lãnh đạo, đã nhanh chóng lật đổ toàn bộ hệ thống chính quyền tai sai của Nhật từ xã đến phủ; thành lập bộ máy ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. 

Tháng 8 năm 1945 đã trở thành móc son chói lọi, là ký ức khó quêntrongnhân dân bao thế hệ. Thắng lợi ấy kết quả của sự phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết đấu tranh kiên cường bất khuất, liên tục chống xâm lược và chống áp bức bóc lột của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện; là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn và phương pháp sáng tạo tài tình của Đảng bộ Tam Kỳ (Phú Ninh)./.

 

Tin liên quan