Phát triển văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở Phú Ninh

         Phát triển văn hóa nông thôn mới (NTM) là việc làm thiết thực, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đóng góp tích cực trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, đã tạo động lực để huyện Phú Ninh bứt phá phát triển. Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; do vậy, trong xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vai trò rất quan trọng.

          Thực hiện Phong tràoToàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt TDĐKXĐĐSVH) gắn với các tiêu chí văn hóa trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉ đơn thuần tác động tích cực đến việc cải tạo, bài trừ các hủ tục lạc hậu (tiêu chí Văn hóa: số 6 và số 16), mà còn có tác động tích cực lan tỏa đến các tiêu chí khác như: Giáo dục và đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, xóa đói giảm nghèo (Hộ nghèo và thu nhập), Lao động có việc làm, xây dựng Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

          Tại huyện Phú Ninh, thực hiện các nội dung của Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa và Tiêu chí số 16 - Văn hóa (Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa NTM giai đoạn 2022-2025), Tiêu chí số 6 – Văn hóa (Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025), Tiêu chí 5.1 – Văn hóa (Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 – 2025) và Tiêu chí 5.2, 5.3 – Văn hóa (Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025) đã góp phần thay đổi nhận thức từ tư duy đến hành động của người dân. Thông qua hoạt động phong trào, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao được đẩy mạnh và tăng cường. Việc xây dựng và thực hiện quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn huyện luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Đến nay, 51/51 thôn, khối phố trên địa bàn đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh phê duyệt. Nhiều hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao đã tạo nên diện mạo mới trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở nhất là xây dựng các thiết chế văn hoá: Nhà văn hoá, sân luyện tập thể thao, đài truyền thanh... góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân. Đến năm 2022, toàn huyện Phú Ninh có 20.383 hộ được công nhận gia đình văn hoá, tỷ lệ 92,1%. 43/51 thôn, khối phố văn hóa, tỷ lệ 84.31%72 tộc được công nhận tộc văn hóa. 08 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, tỉ lệ 80%. 76/80 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 95%. 

          Ông Đỗ Văn Luật – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Ninh cho biết, hằng năm, phòng tích cực hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động nhà văn hóa, đội văn nghệ, câu lạc bộ; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... cho cán bộ văn hóa xã, thị trấn trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa, thể thao; tăng cường lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của huyện về xây dựng NTM vào các hoạt động thông tin tuyên truyền.