Chiến sĩ áo trắng - những bước chân thầm lặng!

Phú Ninh đón chào mùa xuân lần thứ 20. Và ngành Y tế huyện cũng vừa tròn 20 tuổi. Cái tuổi đẹp nhất của một đời người, một hành trình. Hành trình đó được bắt đầu từ những ngày gian khó và sự gian khó được bắt đầu từ lòng yêu nghề, yêu người của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện.

Những ngày đầu gian khó

Năm 2005, huyện Phú Ninh được thành lập. Theo đó, các cơ quan hành chính của huyện Phú Ninh ra đời, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh. 

Ngày đó, huyện khó khăn lắm, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, có đến 90% dân số làm nông nghiệp. Ông bà xưa từng nói “phi thương bất phú, phi nông bất bần”, đời sống của Nhân dân muôn vàn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 23%. Và theo lẽ thường tình, cái nghèo, cái khó bao giờ cũng kéo theo bệnh tật, dịch bệnh và hàng loạt chỉ số khác liên quan đến đời sống nhân dân rất thấp. Lúc ấy, toàn huyện tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm trên 20%, hố xí hợp vệ sinh đạt dưới 10%. Tỷ suất sinh thô 12,95%0; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 25,05%...

Trụ sở Trung tâm Y tế huyện trong những năm đầu thành lập huyện

Nhìn vào những chỉ số cũng hiểu được những gánh nặng của đội ngũ ngành y tế của huyện lúc bấy giờ. Trong khi, đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành chỉ vẻn vẹn 11 người: 03 bác sĩ, 03 y sĩ, 01 cử nhân xét nghiệm, 01 dược sĩ, 01 nhân viên kế toán, 01 cán bộ hành chính và 01 y tá. Con người đã thiếu, đã khó, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phục vụ công tác khám chữa bệnh lại càng khó gấp bội phần. Trụ sở phải mượn tạm Trạm Y tế xã Tam Dân để làm việc và thực hiện một số dịch vụ y tế trong công tác khám chữa bệnh cho người dân. Một năm sau đó, mượn tạm Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (cũ) tại xã Tam Vinh để tiếp tục hoạt động. Trang thiết bị khám chữa bệnh cho Nhân dân gần như số O tròn trĩnh, chỉ được trang bị vài chiếc ống nghe, kính hiển vi xét nghiệm đờm. Chưa hết, điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên ngành là căn phòng chật hẹp với mấy cái bàn học sinh cũ kỹ. 

Lục lại ký ức, Bác sĩ Viên kể rằng: “Mỗi khi mùa mưa đến là nổi ám ảnh. Nước từ sân tràn vào, nước từ trần nhà rơi xuống. Chúng tôi lội mưa, lội nước bì bõm nhanh chóng di chuyển thuốc men và trang thiết bị y tế đến nơi an toàn. Giữa cơn mưa bão lũ, chúng tôi bảo vệ thuốc men, trang thiết bị như bảo vệ mạng sống của chính mình. Vì huyện còn khó, dân còn nghèo, chúng tôi không thể để lãng phí một viên thuốc, vật tư y tế nào. Vậy mà trong bối cảnh đó, Nhân dân vẫn tin tưởng đến khám chữa bệnh, số lượng tăng lên mỗi năm. Lắm lúc, nhìn cảnh cơ sở vật chất tồi tàn. Tôi sợ rằng lòng mình và đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của Trung tâm sẽ chùng xuống. Ấy vậy mà, 20 năm qua, chúng tôi chưa một lần chùng bước, chỉ có tiến không có lùi”.

Tôi lặng người trước dòng ký ức của người trong cuộc. Trong muôn vàn câu hỏi vì sao, tôi nhận ra, chính sự khát khao cống hiến, tình yêu nghề, yêu người đã giúp đội ngũ y, bác sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu thành lập huyện, xây dựng một tập thể cán bộ, y bác sĩ như bây giờ. Đi qua những tháng ngày gian khó, để trân quý hiện tại. Họ xứng đáng với danh hiệu những chiến sĩ áo trắng.

Yêu nghề, yêu người và những bước chân thầm lặng

Sự khó khăn trong những ngày đầu thành lập trở thành nguồn nội lực to lớn giúp đội ngũ y, bác sĩ huyện vượt qua gian khó, vững tay nghề, vững niềm tin, đoàn kết xây dựng một Trung tâm Y tế huyện như ngày hôm nay. 

Những ngày chống dịch bệnh Covid 19 và sau ca phẫu thuật thành công

Bắt đầu là cơ sở vật chất. Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh được đầu tư xây dựng cơ sở mới khá khang trang với quy mô 100 giường bệnh. Máy móc, trang thiết bị y tế được đầu tư: Máy chụp X-quang, siêu âm tổng quát, máy đo điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa…. Tiếp đó, đã mở phòng mổ ngoại sản và khoa sản. Được đầu tư xây dựng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng với quy mô 50 giường bệnh, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại: Điện châm, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn… Được trang bị máy móc hiện đại đã giúp việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ngày càng hiệu quả, chất lượng trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được cải thiện rõ rệt. Không dừng lại đó, Trung tâm Y tế bắt đầu triển khai thực hiện và thực hiện thành công các ca phẫu thuật bóc tách nhân xơ tử cung, viêm ruột thừa, u nang buồng trứng... Khoa Y học Cổ truyền ngày càng phát huy hiệu quả. Một số bệnh nhân trong quá trình điều trị, được kết hợp linh hoạt giữa y học cổ truyền và y học hiện đại mang lại hiệu quả tích cực, giảm các tác dụng phụ cho người bệnh. Niềm tin của Nhân dân đối với Trung tâm Y tế huyện được nâng lên.

Kết quả đó không phải tự nhiên mà có. Mà chính là từ sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người của đội ngũ ý bác sĩ của Trung tâm. Họ không ngừng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ từ con số ban đầu chỉ 11 người, nay toàn ngành từ huyện đến xã có 148 người, trong đó 10 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 08 bác sĩ đa khoa, 01 bác sĩ dự phòng, 01 dược sĩ chuyên khoa cấp 1,03 dược sĩ đại học; cán bộ viên chức có trình độ đại học trở lên tại Trung tâmchiếm 64%. Không chỉ tự nâng tầm bản thân về chuyên môn nghiệp vụ mà họ luôn tâm huyết với nghề, xác định đạo đức nghề nghiệp là trên hết, trước hết. Tự đặt ra phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Ngoài việc khám, chữa bệnh, họ còn hướng người bệnh suy nghĩ tích cực trong quá trình chữa bệnh. Họ luôn đặt mình vào vị trí người bệnh, người nhà bệnh nhân để luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ. Chính điều này là sợi dây vô hình kết nối đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm với bệnh nhân. Khi được hỏi về tinh thần, thái độ của y bác sĩ ở đây, đều được Nhân dân đánh giá là địa chỉ tin cậy trong khám chữa bệnh nhân dân huyện nhà.

Còn nhớ những năm 2019-2021, khi cả nước oằn mình chống dịch Covid. Đội ngũ y, bác sĩ của huyện cũng không ngoại lệ. Họ là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Tạm gác tình thân, gia đình, trực xuyên suốt mấy ngày ròng rã. Cũng có người phải ở trong khu cách ly cả tháng, nhưng không một tiếng kêu than. Họ vẫn âm thầm, bền bỉ thực hiện các công việc của mình, đóng góp một phần quan trọng cùng Đảng bộ huyện đẩy lùi dịch bệnh, không để bùng phát, lan ra diện rộng.

Khi dịch bệnh qua đi, họ - những chiến sĩ áo trắng vẫn thầm lặng, bền bỉ với công việc của mình, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Điều này được minh chứng ở một số chỉ tiêu so với ngày đầu thành lập huyện. Nếu như năm 2005, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi trên 20%, nay còn 5,22%. Tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh dưới 10% nay đạt 99,8%. Tỷ suất sinh thô 12,95%0, nay giảm xuống còn 10,2%0. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 25,05% giảm còn 13,81%, góp phần từng bước nâng cao chất lượng và cơ cấu dân số trên toàn huyện. Nhìn vào những con số, tưởng như rất đơn giản, nhưng đằng sau những con số là thấm đẫm giọt mồ hôi, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế huyện trong suốt chặng đường 20 năm.

Đã tròn 20 năm với nhiều khó khăn qua đi, Phú Ninh đang trên con đường của “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Và trên con đường ấy có sự đồng hành của Trung tâm Y tế huyện. Với nhiệt huyết, tình yêu nghề, yêu người, yêu quê hương, những chiến sĩ áo trắng sẽ mãi bền chí, bền gan cùng vượt qua thách thách, chung tay cùng Đảng bộ huyện thực hiện mục tiêu khát vọng phát triển, xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Vì một cộng đồng Phú Ninh sức khỏe, an vui./.

                                                                              

 

Tin liên quan