Theo đó, căn cứ nhu cầu tìm hiểu pháp luật được các địa phương đăng ký từ đầu năm, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật huyện triển khai tuyên truyền nội dung các văn bản luật đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. Nội dung các văn bản luật được triển khai sát với đặc điểm từng địa bàn dân cư: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Tiếp công dân, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Hộ tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Bình đẵng giới, Luật Bảo vệ trẻ em, các nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Hình thức tuyên truyền đa dạng: Tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, hội nghị; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử các địa phương, phát hành tờ gấp pháp luật, tập huấn nghiệp vụ…

Huyện Phú Ninh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 92 cuộc tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với hơn 12.000 lượt người tham dự; 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút hơn 10.000 lượt người tham gia; tổ chức 03 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thông qua hình thức rung chuông vàng tại xã Tam Đàn, Tam Vinh, Tam Lộc. Hằng năm, xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều hoạt động như: Hội nghị tọa đàm, giao lưu hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam gắn với tổng kết thực hiện công tác phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng kết trao giải cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2022” trên địa bàn huyện ; tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã Tam Lãnh, Tam Vinh bằng hình thức “Phiên tòa giả định”; tuyên truyền tại các xã Tam Đàn, Tam Dân, Tam An, Tam Phước và Tam Thái bằng hình thức “Hô hát bài chòi”; triển khai tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano, apphich trên các trục đường chính của huyện, khu trung tâm hành chính xã, thị trấn, các trường học, các điểm công cộng hưởng ứng “Ngày Pháp luật”. Đồng thời in, cấp phát hành 39.000 tờ gấp ; tổ chức 31 lớp tập huấn nghiệp cho cán bộ, công chức, báo cáo viên, hòa giải viên, tuyên truyền viên trên địa bàn các xã, thị trấn…

Việc triển khai mô hình đã góp phần thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được kịp thời, có hiệu quả, bám sát yêu cầu về nội dung, đối tượng, thời gian theo chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương và ngành cấp trên, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, văn hóa pháp lý của Nhân dân được nâng cao, tạo sự đồng thuận và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện được đồng bộ, thống nhất.
Sau 03 năm triển khai Đề án PBGDPL theo mô hình “cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả” nhận thức pháp luật của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức tuân thủ pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực như đất đai, hộ tịch, hôn nhân gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, được nâng cao. Người dân chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin pháp luật thông qua các kênh chính thống như cổng thông tin điện tử, tài liệu phổ biến, hội nghị tuyên truyền./.