Xây dựng tộc văn hóa ở Phú Ninh

Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có gần 100 tộc phát động xây dựng tộc văn hóa. Qua 20 năm xây dựng và phát triển huyện nhà, những nét đẹp văn hoá các tộc đang gìn giữ, phát huy và trở thành nhân tố quan trọng góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng xã tại các địa phương. Các tộc họ trên địa bàn luôn đồng hàng cùng sự phát triển của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà.

          Phấn đấu xây dựng tộc văn hóa

          Là một trong những tộc họ khá nổi tiếng ở xã Tam Lộc, tộc Nguyễn Đức, thôn Đại Đồng được UBND xã Tam Lộc công nhận "Tộc văn hóa" năm 2011. Vị Thủy tổ tộc Nguyễn quê ở làng Qua Nha, huyện Thạch Hà, tỉnh Nghệ An, vào huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp; hạ 04 người con trai, 02 người con gái… Hằng năm, con cháu ở 4 nhánh của tộc đều tụ họp về làng Phú Quý để chạp mã tổ tiên vào ngày Đông Chí và giỗ tổ vào ngày đầu xuân. Những năm qua, tộc Nguyễn Đức đã tuyên truyền, vận động con cháu đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi gia đình trong dòng họ. Hiện nay, trong tộc không có hộ nghèo, cận nghèo. Hàng năm, 100% gia đình trong dòng họ đạt gia đình văn hóa.

          Ông Nguyễn Văn Lợi – Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Đức, thôn Đại Đồng xã Tam Lộc chia sẻ: " Xây dựng tộc văn hóa, các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được phổ biến rộng rãi trong tộc và từng hộ gia đình đều đồng tình hưởng ứng thực hiện. Trong xây dựng đời sống văn hóa, các gia đình đều thực hiện nghiêm Tộc ước. Hàng  năm, tộc đều triển khai, đăng ký xây dựng tộc văn hóa, gia đình văn hóa".

Các tộc thực hiện tốt phong trào khuyến học khuyến tài

          Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa, hàng năm, các tộc họ trên địa bàn huyện Phú Ninh còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng tộc văn hóa. Nổi bật như phong trào khuyến học khuyến tài, góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập suốt đời trong con cháu, tăng cường sự đoàn kết tương thân tương ái trong các dòng họ. 

     Tộc Nguyễn Văn, thôn Xuân Phú, xã Tam Thái là một trong những tộc họ tiêu biểu làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Được phát động ra mắt xây dựng tộc họ văn hóa vào năm 2008, hiện nay tộc Nguyễn Văn có 8 chi nhánh sống rải rác từ Bắc vào Nam với khoảng 200 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Cùng với việc vận động con cháu tích cực thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế, lao động sản xuất giỏi, Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn luôn chú trọng công tác tương thân tương trợ. Hiện nay, nguồn quỹ tương trợ của tộc hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, tộc tổ chức thăm và tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, để động viên con cháu vươn lên trong học tập, Hội đồng gia tộc đã thành lập Chi hội khuyến học khuyến tài. Sau gần 10 năm, tộc họ đã tổ chức khen thưởng cho 450 lượt con, cháu với kinh phí gần 100 triệu đồng. 

          Ông Nguyễn Hồng Liên - Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn, thôn Xuân Phú, xã Tam Thái cho biết: "Hội đồng gia tộc thường xuyên nhắc nhở các thành viên thực hiện tốt truyền thống đạo lý của gia tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Mọi công dân trong tộc đều có bổn phận và trách nhiệm chăm lo thờ phụng tổ tiên; gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm công tác khuyến học khuyến tài, nuôi dạy con cháu thành đạt, có đức, có tài góp phần xây dựng đất nước”.

          Chung tay xây dựng quê hương

          Năm 2007, phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” tại Quảng Nam bắt đầu phát triển mạnh. Đặc biệt, ngày 26/10/2007, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3405/QĐ-UBND về Quy chế công nhận danh hiệu “Tộc văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Từ đây, “Tộc văn hóa” là một trong những danh hiệu văn hóa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đại diện các tôn giáo và tộc họ trên địa bàn xã Tam Dân ký cam kết “Không rải vàng mã tiền Việt Nam và tiến nước ngoài trên đường đưa tang”

Công tác xây dựng tộc văn hoá được tuyên truyền, vận động và triển khai sâu rộng trên địa bàn. Cùng với việc tập trung hướng dẫn các tộc tổ chức đăng ký phát động xây dựng tộc văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt BCĐ phong trào) các cấp thường xuyên chú trọng đến nội dung Quy ước xây dựng Tộc văn hóa (Tộc ước). Đặc biệt, từ khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, BCĐ phong trào các cấp đã hướng dẫn đưa nội dung này vào một trong các nội dung của Tộc ước... 

          Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, tích cực vận động nên công tác đăng ký, phát động và xây dựng Tộc văn hóa đã có nhiều kết quả phấn khởi. Từ chỗ chỉ có 16 tộc đăng ký phát động xây dựng tộc văn hóa năm 2005, đến năm 2024, toàn huyện có 95 tộc, qua đó, đã có 76 tộc được công nhận danh hiệu tộc văn hóa. Các Tộc đều thành lập Hội đồng gia tộc, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác và tự quản. Trong thực hiện quy chế dân chủ ở khu dân cư, các tộc là chiếc cầu nối trong việc xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến tận người dân mà trực tiếp là con cháu trong tộc họ. 

          Qua phong trào đã xuất hiện được nhiều mô hình, điển hình như: tộc Phan Đình (Trung Đàn, Tam Đại), Trần Văn (Phú Văn, Tam Thành), Nguyễn Đức (Đại Đồng, Tam Lộc) xây dựng tộc không có người sinh con thứ 3 trở lên, không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình. Tộc Đinh (Thạnh Hòa, Tam Đàn), Nguyễn Văn (Phú Điền, Tam Phước), tộc Thái (Long Khánh, Tam Đại) xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của gia tộc, đề nghị các chi phái chấp hành và vận động con cháu thực hiện có hiệu quả. Nhiều tộc tích cực vận động con cháu hiến đất, giải tỏa mặt bằng, di dời mồ mả, vật kiến trúc, đóng góp tiền của, công sức để tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh... Ông Nguyễn Tấn Được – Tộc trưởng tộc Nguyễn Văn, thôn Phú Yên, xã Tam Đàn chia sẻ: “Khi xây dựng Tộc ước, chúng tôi đã họp và bàn bạc nhiều lần trong Hội đồng gia tộc. Các nội dung phải cụ thể, gắn với điều kiện của các chi, phái trong gia tộc và địa phương”.

Các tộc đã xây dựng Tộc ước được UBND các xã, thị trấn công nhận 

          Một nét riêng về tính nhân văn mà các tộc đã thể hiện là khơi nguồn, động viên con cháu thành đạt góp sức giúp đỡ các hộ nghèo mà hiệu quả nhất là việc đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu không có điều kiện được tiếp tục trên con đường học vấn. Theo báo cáo của các địa phương, bằng nhiều hình thức, thời gian qua, các tộc đã huy động Quỹ khuyến học hằng năm từ 2-6 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ phát thưởng cho hơn 4.000 lượt học sinh, sinh viên học giỏi... góp phần cùng toàn huyện xây dựng và đẩy mạnh phong trào xã hội học tập. 

Mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi Tộc khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là tập hợp các con cháu trong gia tộc để cùng nhau cam kết thực hiện những nội dung trong Tộc ước về truyền thống gia tộc, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Cây có cội, nước có nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”... qua đó xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng, góp phần xây dựng nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của mảnh đất và con người Phú Ninh.                                                                                     

                                                          

Tin liên quan